Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma tuý
Theo báo cáo tình hình ma túy thế giới năm 2020 của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), hiện có khoảng 269 triệu người trong độ tuổi từ 15 tuổi - 64 tuổi trên thế giới đang sử dụng ma túy, chiếm 5,4% dân số toàn cầu trong độ tuổi này, trong đó có 35,6 triệu người bị rối loạn do sử dụng ma túy, chiếm 0,7% dân số toàn cầu trong độ tuổi này.
 

Tội phạm ma tuý được xem là “tội phạm của các loại tội phạm”; hậu quả do ma túy gây ra rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trật tự, an toàn xã hội, đến sức khỏe của con người và giống nòi của dân tộc.

Nghiện ma túy gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người nghiện, làm giảm khả năng lao động, học tập; dẫn đến thoái hóa nhân cách, rối loạn hành vi, dễ vi phạm pháp luật; tử vong do sốc thuốc… Tiêm, chích ma túy, dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng dẫn đến lây nhiễm viêm gan virus B, C, đặc biệt là lây nhiễm HIV/AIDS.

Nghiện ma túy làm hao tổn tiền bạc của bản thân và gia đình. Để có tiền sử dụng ma túy, nhiều người đã trộm cắp tài sản của gia đình, cướp của, thậm chí giết người thân… Sức khỏe thể chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình có người nghiện bị giảm sút do lo lắng, mặc cảm, thất vọng, buồn khổ, hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái không ai chăm sóc…

Nghiện ma túy không chỉ làm thiệt hại một khoản kinh tế rất lớn cho bản thân người nghiện, gia đình của người nghiện mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến năm 2020, cả nước có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, chiếm khoảng 0,24% dân số cả nước, tăng trên 10% so với năm 2016. Nếu tính trung bình mỗi ngày một người nghiện tiêu tốn khoảng 300.000 đồng để mua ma túy thì mỗi năm những người này đã đốt trên 25,7 nghìn tỷ đồng chỉ để thỏa mãn cơn nghiện ma túy. Chưa kể một khoản kinh phí rất lớn khác mà nhà nước phải đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm về ma tuý, cai nghiện phục hồi…

Năm 1987, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 26 tháng 6 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng chống ma túy nhằm thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác và cam kết phòng, chống ma túy giữa các nước.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn tháng 6 hằng năm là Tháng hành động phòng, chống ma túy và ngày 26 tháng 6 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống ma túy.

Qua 20 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng chính phủ, Tháng hành động phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay ngăn chặn hiểm họa ma tuý.

Năm nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý năm nay với chủ đề “Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma tuý” để tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, mặc dù phải tập trung chỉ đạo và thực thi quyết liệt các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy đã đạt được những kết quả tích cực, quan trọng.

Hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông phòng, chống ma túy được đa dạng hóa với các nội dung phù hợp với từng địa bàn và nhóm đối tượng. Các lực lượng chức năng đã phối hợp, khám phá, bóc gỡ nhiều đường dây vận chuyển ma túy lớn, từng bước làm chuyển biến tình hình ở một số “điểm nóng” về ma túy; công tác thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án về ma túy đạt tỷ lệ cao; công tác kiểm soát và quản lý các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần đã có nhiều chuyển biến tích cực; một số mô hình thí điểm mới được triển khai mang lại cách tiếp cận mới trong công tác cai nghiện ma túy.

Một số địa phương đã quan tâm, đầu tư, lồng ghép và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy với các chương trình kinh tế xã hội tại địa phương… qua đó góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự.

Tác giả: TS. Nguyễn Cửu Đức Nguồn: http://www.tiengchuong.vn
2018 © Trường Tiểu học Phước Lý
Địa chỉ: Cần Giuộc - Long An
Thiết kế bởi VNPT Long An